Theo nguồn tin của Zing, cuối tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất việc giao hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 về từng tổ chức tín dụng (TCTD), các chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong đó, room tín dụng năm nay được NHNN phân bổ dựa trên chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Dự toán ngân sách Nhà nước cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 và Chỉ thị 01/2023 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng.

Năm nay, NHNN cho biết định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 14-15% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. So với mức thực hiện năm liền trước (14,5%), mức tăng trưởng định hướng này không có nhiều chênh lệch.

Trong văn bản gửi các TCTD, NHNN cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được gửi riêng về từng ngân hàng. Trong đó, hạn mức này được giao căn cứ theo một số tiêu chí cơ bản như kết quả chấm điểm xếp hạng TCTD đến thời điểm gần nhất theo quy định tại Thông tư 52/2018; tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với 100 khách hàng có dư nợ lớn nhất; lãi suất huy động – cho vay; việc tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), và tình hình thực tiễn thị trường…

Căn cứ chỉ tiêu này, NHNN yêu cầu các TCTD xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và chỉ tiêu tăng trưởng phù hợp, đảm bảo kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2023 (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) theo chỉ tiêu đã đề ra 14-15%.

Nhà điều hành cũng yêu cầu các ngân hàng tăng trưởng tín dụng cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Cùng với đó, các ngân hàng cũng phải kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Theo chỉ đạo của NHNN, dư nợ tín dụng để kiểm soát room là dư nợ được quy định theo Thông tư 11/2018 sửa đổi, bổ sung Thông tư 35/2015. Bao gồm số dư cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu các công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá; cho thuê tài chính; bao thanh toán; các khoản trả thay cá nhân, tổ chức trong trường hợp được bảo lãnh nhưng không thực hiện được nghĩa vụ khi đến hạn thanh toán.

Ngoài ra, số dư từ phát hành thẻ tín dụng; mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – VAMC) và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác được NHNN chấp thuận cũng tính vào dư nợ tín dụng để kiểm soát room.

NHNN yêu cầu các ngân hàng giao room tín dụng cho các chi nhánh, đồng thời gửi NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để theo dõi và quản lý trên địa bàn. Các ngân hàng cũng phải báo cáo NHNN (Vụ Chính sách tiền tệ) dự kiến mức tăng trưởng.

Về biện pháp quản lý, NHNN cho biết sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng. Trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường và đề nghị của TCTD, cơ quan này sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu với từng ngân hàng.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cảnh báo sẽ có biện pháp xử lý nghiêm các TCTD vi phạm room tín dụng được giao.

Xác nhận với Zing, nhiều ngân hàng thương mại cho biết đã nhận được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN giao năm nay. Trong đó, mức tăng/giảm so với năm 2022 diễn ra trái chiều ở nhiều ngân hàng.

Tuy nhiên, mặt bằng chung trong đợt cấp room tín dụng lần 1 này đều thấp hơn so với mức sử dụng thực tế trong năm 2022.

Điều này cũng phù hợp với thông lệ các năm khi NHNN thường chia việc cấp room tín dụng ra thành 2 đợt. Lần đầu vào đầu năm và lần 2 vào giữa năm khi đã có đánh giá thực tiễn về nhu cầu tín dụng của các ngân hàng và thị trường.

 

Thay đổi màu sắc

Màu 1
Màu 2
Màu 3
Màu 4
Chọn Layout Này

Thay đổi Header

Header 1

Header 2

Thay đổi vị trí Section